BÁO GIÁ IN DECAL NHANH
Tin tức - sự kiện
Màu sắc trong cuộc sống người Việt
Màu sắc đồ họa trong trang trí cuộc sống người Việt Màu sắc trong tự nhiên rất đa dạng và phong phú. Ngay từ thời xa xưa, khi loài người mới xuất hiện con người đã biết mô phỏng màu sắc của thiên nhiên để thể hiện những tình cảm thẩm mỹ của con người. Các bức vẽ trong hang động đã chứng minh rất rõ điều này.
Màu sắc trong tự nhiên rất đa dạng và phong phú. Ngay từ thời xa xưa, khi loài người mới xuất hiện con người đã biết mô phỏng màu sắc của thiên nhiên để thể hiện những tình cảm thẩm mỹ của con người. Các bức vẽ trong hang động đã chứng minh rất rõ điều này.
Để thể hiện sắc đỏ, người nguyên thuỷ đã lấy tuỷ sống động vật có màu đỏ miêu tả, màu đem họ đã dung than củi, còn màu vàng là màu của đất thổ hoàng…
Từ buổi đầu xuất hiện những manh nha ý thức về thẩm mỹ, loài người đã không ngừng tìm tòi sáng tạo những chất liệu, vật liệu để thể hiện cảm nhận chủ quan về màu sắc của mình. Hàng loạt các hình thức thể hiện màu sắc đã ra đời như: nhuộm , in… được các nghệ sỹ thể hiện rộng rãi trong các tác phẩm của mình ở mọi lĩnh vực phục vụ cuộc sống.
Việt Nam là một nước nhiệt đới, sản vật phong phú với bốn mùa trong năm tạo lên những tông màu lớn nhiều sắc độ tự nhiên . Đó là mùa xuân với gam màu xanh của rừng cây đâm chồi nảy lộc trải dài đến tận cùng xanh thẳm, mùa hè với sắc đỏ rực rỡ của hoa trái ngon lành của những dòng sông mang lặng sắc đỏ phù sa, mùa thu với với màu vàng dịu mát của ánh nắng , sắc vàng rực rỡ của những thảm lá vàng luôn là cảm hứng bất tận cho những người nghệ sỹ. Mùa đông với màu sắc thâm trầm, sâu lắng luôn đem đến những nhìn nhận sắc bén cho mỗi con người. Bốn mùa luân chuyển nhau với những mảng màu rực rỡ từ tự nhiên đã tạo cho con người một cái nhìn tươi sáng về màu sắc. Màu sắc trong tranh dân gian Đông Hồ đã thể hiện rõ nét sự cảm nhận về sắc màu đó.
- Màu đen trong tranh được làm từ than của rơm nếp, lá tre, lá trúc đốt vừa độ nghiền nhỏ , lúc in lấy ra đun sôi kỹ với hồ nếp sẽ tạo ra được màu đen mượt mà.
- Màu vàng được chế từ hoa hoè. Hoa hoè rang lên rồi cho vào cối giã nhỏ, đem nấu lấy bột lắng xuống, lọc bằng rây lượt hay sa. Khi in có thể pha thêm phẩm vàng để làm tăng độ vàng.
- Màu đỏ được chế từ gỗ vang kiếm được ở rừng Việt Bắc. Gỗ vang chẻ nhỏ đun kỹ trong nước sôi cho màu cô lại.
- Màu son đỏ tươi được lấy từ Hà Bắc, nơi có loại đá son đỏ và mềm.
- Màu xanh chàm lấy từ lá chàm còn tươi , đem giã nhỏ, đun sôi rồi ngâm kỹ lấy màu. Muốn mầu sẫm thì đun lâu cho cạn bớt nước, màu xanh chàm được cô đặc lại.
- Màu xanh cây được lấy ở thanh phàn (phèn xanh) hay gỉ đồng.
Những màu trên được gọi là thuốc cái tức là màu nguyên chất chưa pha trộn , khi in pha lẫn với hồ nếp . Có thể in hai màu thuốc cái trộn lẫn với điệp hoặc in chồng lên màu điệp.

Màu điệp được làm từ vỏ con điệp được giã nhỏ trộn với hồ, được quét lên nền giấy dó vừa tạo độ cứng cho giấy, đồng thời cũng ánh lên màu lấp lánh của vỏ điệp rất đẹp. Khi in các nghệ nhân thương để mầu nguyên chất , ít pha trộn đôi khi chỉ hoà chung với điệp để cho sắc màu được sáng lên.

Tranh in Đông Hồ được phổ cập một cách rộng rãi phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của quần chúng nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân và thợ thủ công . Tranh được sử dụng trong ngày Tết để trang trí nhà cửa với mong muốn đem lại những điều may mắn, tốt lành, yên vui cho mọi người, nhà cửa.
Nét in đen vẽ thoải mái, dễ nhìn , dễ hiểu , có tính khái quát chung về sự vật. Màu sắc mô phỏng thiên nhiên tươi sáng rực rỡ, ưa nhìn không cầu kỳ thể hiện tâm hồn khoáng đạt, mạnh mẽ của dân tộc Việt.

Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật trang trí. Nó thể hiển sở thích và khả năng thẩm mỹ của người sử dụng . Không ai là không có quan niệm của mình về màu sắc. Khi chọn màu trang phục, chọn đồ dùng sử dụng trang trí nhà cửa… Hoạ sỹ càng biết những nguyên tắc cơ bản về màu sắc thì việc sử dụng màu sắc càng sắc bén. Màu sắc nói lên được tình cảm của con người, của một dân tộc , do thói quen sinh hoạt , lao động vui chơi, ở một môi trường nhất định tạo ra. Người hoạ sỹ càng phải đi sâu vào những màu sắc của dân tộc mình để nâng lên thành những hoà sắc mới áp dụng vào các thể thức trang trí . Các loại màu nâu , đen, hoa lý, cánh sen, hồng điều, tím than … thể hiện rất rõ nét trong nếp sống của nhân dân lao động: trang sức, vải lụa may quần áo, màu sắc trên tranh tượng dân gian…


 Quan niệm về màu sắc của từng dân tộc qua nhiều thời đại khác nhau , nó tạo lên nét đặc biệt trong văn hoá tong vùng từng miền dân tộc. Người Việt thời xưa thích những màu trầm như “quần lĩnh, áo thâm – quần đen , áo nâu” nó thể hiện sự giản dị mà sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng màu sắc trong lễ hội lại thể hiện một cái nhìn khác trong cuộc sống đó là tinh thần lạc quan , tươi trẻ đâỳ sức sống với những gam màu mạnh như: xanh, đỏ, tím, vàng…được thể hiện qua trang phục mớ ba, mớ bảy, yếm thắm thắt dây lưng hồng đặc sắc trong ngày lễ hội.

Khác với dân tộc Việt , các dân tộc thiểu số lại thích những màu trắng (màu tự nhiên của bông, lanh…) màu chàm, màu đỏ, màu vàng, màu đen , màu xanh… do nhuộm lá cây, nước quả củ rừng, đất sét, gạch non… với nhiều mô típ khác nhau không chỉ để trang trí mà còn thể hiện niềm tin tôn giáo.

Nhu cầu thẩm mỹ luôn luôn thay đổi bằng việc tìm tòi sáng tạo những màu sắc mới như: để tạo nên một màu vàng như ý người ta phải hãm màu bằng nước chè , nước củ nâu hay bồ kết để vải ngả sang màu vàng, màu da cam, mang một vẻ đặc trưng riêng người Huế gọi là màu vàng chùa. Màu này thường được sủ dụng trong sắc phục của vua quan triều đình Huế thời bấy giờ. Nó không chỉ thể hiện sự cầu kỳ của công việc nhằm tạo ra những sắc màu riêng mà còn thể hiện nhu cầu thẩm mỹ cao trong cuộc sống . Chính nhờ sự đòi hỏi cầu kỳ về màu sắc đó đã thúc đẩy không ngừng sáng tạo của con người , làm cho cuộc sông con người thêm những màu sắc phong phú.

Màu sắc là tâm hồn của một dân tộc thuộc về mặt tâm lý và phong tục, màu sắc không thể tách rời khỏi môi trường nuôi sống con người , nó tạo lên nét đặc sắc cho từng dân tộc , thể hiện đời sống tinh thần của dân tộc đó. Nhân dân ta am hiểu và dùng nhiều màu sắc trong đời sống xưa và nay. Màu sắc trong dân gian thật phong phú. Mỗi xứ , mỗi miền trên đất nước ta đều có một sắc thái riêng . Không chỉ có những màu chung cho một miền đất rộng lớn như : chàm, nâu, đen chúng ta còn có những màu : tím than, nguyệt bạch, vàng sồi, tam giang, thanh thiên của vùng Hà Tây , hoa hiên, hoa lý, các vàng, cánh chấu của xứ Bắc. Màu tím , cổ đồng , hổ hoàng lục , bạch nguyệt của xứ Huế. Những màu đen của bộ bà ba, màu xám xen kẽ đen trắng của khăn rằn, màu lĩnh tía của đất Đồng Nai. Có thể nói màu sắc của nhân dân ta diễn biến rất tế nhị và giàu chất trữ tình. Từ màu sắc tự nhiên chuyển sang trang trí , các màu có thể chuyển biến từ nhẹ nhàng đến gay gắt, từ trầm lắng đến tươi vui … nó phụ thuộc vào thị hiếu của từng người sử dụng cũng như sự biểu cảm của người nghệ sỹ.
Các bài viết khác